Tệp rộng - Cách tạo và sử dụng sao cho hiệu quả
Hoo, xin chào! Một bài viết về chủ đề “TỆP RỘNG” khá hay, các anh em đang chạy facebook ads thì tham khảo nhé!
Gần đây, em được anh bạn tự kinh doanh xin giúp đỡ về quảng cáo Facebook. Anh ấy có một lượng khách hàng cũ khá ổn định, nhưng vì mục tiêu doanh số cao hơn, anh ta cần phải tìm ra nhiều khách hàng mới hơn, đồng nghĩa với việc anh ấy phải mở rộng tệp quảng cáo của mình. Trong quá trình thử nghiệm, team của anh đã mất hơn 100 nghìn/data cho một sản phẩm có giá thành hơn 200 nghìn. Với những khách hàng mới này, anh ta hầu như không còn chút lợi nhuận nào. Và nguyên nhân thì giống hầu hết các trường hợp em gặp phải trước đó, quảng cáo của anh ấy đắt vì nghèo nàn những tệp khách hàng. Trong chiến dịch quảng cáo của anh có 1, 2 target và điều duy nhất anh làm là chờ đợi cho quảng cáo của mình nhận được nhiều bình luận, không gì hơn, tất nhiên là hiệu quả thì thảm hại. Hôm sau, em gửi anh ta một mẩu email chứa gợi ý để anh ấy có được những tệp khách hàng mới. Tuần sau đó anh ấy báo với em về những tín hiệu đáng mừng từ quảng cáo của anh ta.
Vậy có gì trong email đó, em đã viết gì để giúp anh ta có được những khách hàng mới với chi phí rẻ hơn một nửa.
Vì những thành công từ hướng dẫn đó, phần cũng nghĩ trong đây nhiều bác đang loay hoay với quảng cáo, với tệp khách hàng, nên em quyết định chia sẻ qua bài viết này. Cụ thể:
• Bài viết sẽ KHÔNG NÓI về những tệp khách hàng rộng hiệu quả mà sẽ cung cấp cho các bác CHỈ DẪN để tìm ra những tệp khách hàng rộng hiệu quả cho từng lĩnh vực, từng sản phẩm của mình
• Bài viết sẽ KHÔNG giúp các bác tìm ra những khách hàng với chi phí rẻ mà sẽ giúp bạn tìm ra khách hàng với chi phí RẺ HƠN nhiều lần, và điều đó đã được kiểm chứng
Dưới đây là 4 bước để tìm ra target hiệu quả cho bất kì sản phẩm, lĩnh vực nào.
Bước 1: Lên danh sách target theo sở thích, hành vi
Mục tiêu của bước này là giúp các bác có một danh sách những target. Chúng ta bắt đầu với những điều căn bản mà ai kinh doanh “Tâm huyết” đều hiểu và cố gắng tìm hiểu. Đó là những hiểu biết về sản phẩm, hiểu biết về khách hàng và những đối thủ đang sẵn sàng cướp đi những khách hàng của các bác. Đây là những câu hỏi tiêu biểu để các bác có thể đánh giá sự “tâm huyết” của mình với sản phẩm, dịch vụ các bác kinh doanh cũng như là bước chuẩn bị để bạn có được một danh sách target dài dằng dặc:
– Sản phẩm của bạn thuộc ngành hàng nào?
– Khách hàng của bạn là ai? Bạn có thể vẽ ra chân dung khách hàng bạn muốn phục vụ không? Cụ thể như họ bao tuổi? Ở đâu? Thu nhập ra sao? Nghề nghiệp của họ là gì? Mối quan tâm của họ là gì ? Họ thường truy cập vào trang nào? Sử dụng công cụ nào?
– Bạn đang cạnh tranh với ai? Những sản phẩm, thương hiệu nào có cùng khách hàng như bạn?…
Sau đó hãy tìm kiếm những target sở thích, hành vi của người dùng theo các gợi ý mà em tạm đặt tên là: Target sở thích ngành hàng, Target sở thích đối thủ, Target chân dung khách hàng. 3 loại sở thích theo thứ trên được cố ý sắp xếp theo mức độ dễ dàng xây dựng giảm dần và mức độ phong phú để thỏa sức động não tăng dần từ trái quá phải. Cụ thể như sau:
• Target sở thích ngành hàng: Là sở thích các bác phải nghĩ ngay đầu tiên khi tạo tệp. Người bán bếp phải nghĩ tới “bếp”, người bán “đồng hồ” phải đưa “đồng hồ” vào target sở thích. Kinh doanh trong ngành hàng nào lấy ngành hàng đó đưa vào Ad Manager để làm sở thích mà target. Thậm chí bạn cũng có thể đưa nghành hàng tương tự hoặc có liên quan mật thiết tới ngành hàng của bạn để target. Chẳng hạn như bán “chuột” gối có thể đưa sở thích “máy tính”.
• Target sở thích đối thủ: là target tập hợp những người quan tâm đến sản phẩm thương hiệu của đối thủ cạnh tranh ( thường thì những fanpage đạt trên 100.000 like mới xuất hiện trong phần target). Làm sao để xác định những target này. Như đã nói ở phần trước đó, khi các bác biết và nắm rõ những đối thủ cạnh tranh, các bác sẽ dễ dàng có những danh sách này. Tin xấu là hiểu biết của chúng ta là có hạn (tin xấu) nhưng chúng ta luôn có giải pháp (tin tốt đây), em sẽ chỉ cho bạn cách list được hết những danh sách này. Có nhiều cách để tìm kiếm những đối thủ của bạn từ màn hình máy tính nhờ công cụ của Facebook, Google… Nếu tự tin lượng like fanpage của mình chính là khách hàng mơ ước và với lượng đủ lớn, các bác hãy vào công cụ “Thông tin chi tiết về đối tượng” và xem những khách hàng của các bác cũng thích trang của đối thủ nào. Cách thứ 2 là tìm kiếm trên thanh tìm kiếm của Facebook, hãy thử gõ ngành hàng của cách bác. Bán quần áo thì tìm “sờ to” “bâu ti que” “shop”… Cách thứ 3, tìm kiếm trên google rồi tìm trang fanpage của trang web đó. Thứ 4, nếu bác có website hoặc biết được website của đối thủ hãy gõ vào similarweb để tìm những trang tương tự rồi lần ra fanpage của chúng.
• Target chân dung khách hàng: không như 2 loại target ở trên khá hạn chế về lượng target thậm chí với nhiều dịch vụ, sản phẩm không có sẵn tùy chọn trong target thì đây là loại sở thích không có giới hạn. Các bác đã nắm rõ chân dung khách hàng của mình thì đây là loại sở thích nhằm giúp các bác cố gắng đưa quảng cáo của mình phân phối tới người dùng giống với khách hàng của các bác nhất có thể. Hãy trả lời câu hỏi: Mối quan tâm của họ là gì? Họ có thói quen nào? Họ sử dụng sản phẩm của những nhãn hàng nào… Càng hiểu sâu khách hàng của mình, các bác càng có nhiều lựa chọn để target. Giả sử như khách hàng mục tiêu của các bác là nữ văn phòng trẻ chưa có gia đình, thu nhập loại B+ (tức trên 7 triệu), bác hãy nghĩ xem họ dùng điện thoại gì, đọc báo nào… Nếu em cần quảng cáo cho nhóm này, em sẽ thử đưa hành vi sử dụng iphone 5s trở lên, hiển thị quảng cáo khi họ dùng wifi, địa chỉ email là gmail… Nói chung là sẽ có một danh sách dài với loại target này và việc của các bác cứ cố gắng kéo dài càng dài càng tốt danh sách ấy. Nhiều người em hướng dẫn đã dễ dàng làm được nhưng cũng không ít bác sẽ thấy bí sau khi viết xuống dòng thứ 5, hoặc nản chí khi danh sách list ra đưa vào Nhóm quảng cáo nhưng không hỗ trợ target. Đừng lo, em xin giới thiệu cho các bác những công cụ để bạn có thể tiết kiệm được thời gian và công sức. Cách đầu tiên là truy cập “Thông tin chi tiết về đối tượng”, cách thứ 2 là dùng nhờ facebook khách hàng truy cập vào địa chỉ
https://www.facebook.com/ads/preferences/edit/ và thu thập danh sách target.
Bước 2: Lập nhóm quảng cáo
Sau bước 1 bạn đã có một danh sách target và tiếp là là lập nhóm quảng cáo và thực hiện A/B test. Một nhóm quảng cáo (hay đối tượng) là tập hợp và kết hợp của nhiều loại target, target nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, địa điểm..), target sở thích, target hành vi. Làm sao để tạo nhóm quảng cáo từ danh sách trên, có công thức nào không? Xin thưa rằng: Không và trả lời rằng: Tùy. Tùy sản phẩm, ngành hàng, người tiêu dùng, giá bán và độ “nhạy” của bạn để tạo được một nhóm quảng cáo lý tưởng. Dù kết hợp như thế hãy nhớ rằng mục tiêu khi tạo nhóm quảng cáo là tạo ra những nhóm quảng cáo giống với đối tượng khách hàng mục tiêu của các bác nhất có thể và chú ý những nguyên tắc sau đây:
• Sử dụng loại trừ, phép hợp phép giao trong quảng cáo một cách khéo léo (hãy đảm bảo loại fan của trang của bạn – vì chúng ta tìm khách hàng, người dùng mới mà)
• Lượng người dùng trong nhóm quảng cáo càng nhỏ thì giá quảng cáo có xu hướng càng đắt vì thế hãy luôn kiểm tra dung lượng người dùng trên Nhóm quảng cáo Facebook và đảm bảo dung lượng từ 200.000 người trở lên
Bước 3: Thực hiện A/B test
Sau khi lập nhóm quảng cáo xong. Các bác cần thử nghiệm để tìm ra những nhóm quảng cáo “rẻ” và hiệu quả, hay nói cách khác là phải A/B test – tức là chạy những mẫu quảng cáo giống nhau cho những nhóm quảng cáo đã tạo ra. Sau đó so sánh hiệu quả và điều chỉnh: tắt những quảng cáo đắt đỏ đồng thời tăng tiền cho nhóm quảng cáo hiệu quả hơn. Để tìm ra những nhóm quảng cáo thực sự tốt, hãy ghi nhớ những quy tắc thử nghiệm sau đây:
• Chạy tất cả nhóm quảng cáo trong cùng một điều kiện giống nhau: cùng thời gian, cùng cách tối ưu hiển thị, cùng quảng cáo
• Ra quyết định điều chỉnh (tắt hay tăng tiền) đúng lúc, đừng sớm quá, cũng đừng muộn quá. Thường khi quảng cáo hiển thị được từ 24 đến 48 tiếng hoặc tiếp cận từ 1 đến vài nghìn người là thời điểm tốt nhất để ra quyết định
Bước 4: Theo dõi báo cáo và tiếp tục
Khi phát hiện ra một nhóm quảng cáo mới cực rẻ, nhiều người thường có xu hướng “ngủ quên trên chiến thắng”. Quảng cáo Facebook không giống Google, các bác phải liên tục theo dõi, liên tục tối ưu. Hôm nay quảng cáo, nhóm quảng cáo của các bác hiệu quả, hôm sau cũng có thể hiệu quả, nhưng vài tuần sau thì không chắc. Vì vậy hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi và tìm ra ý tưởng nhóm quảng cáo, quảng cáo mới. Hãy bắt đầu với mẩu giấy của mình và làm theo những bước hướng dẫn trên, em tin chắc các bác sẽ tiết kiệm được kha khá tiền của và sức lao động đấy.
Nếu cảm thấy chia sẻ này có ích, hãy chia sẻ nó. Nếu có bất cứ thắc mắc hay đóng góp gì, đừng ngại ngần để lại ý kiến. Em sẽ cố gắng chia sẻ nhiều hơn.
MỘT CỘNG ĐỒNG VÌ CẢ CỘNG ĐỒNG
Chúc các bạn có những quảng cáo “chiến thắng”. Cảm ơn.
-Bài chia sẻ của: Phùng Tùng Linh